HALINH RATTAN & BAMBOO COMPANY LIMITED

Làng nghề đang vắng bóng lao động trẻ

Sức hút từ nghề mới Lao động trẻ có thế mạnh là năng động, sáng tạo, nhanh chóng nắm bắt được xu thế mới, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên vài năm gần đây, nhiều làng nghề, chủ yếu ở các ngành hàng thủ công như mây tre đan, thêu, dệt… lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động trẻ, có tay nghề cao.

Từng phát triển mạnh về nghề mây tre đan nhưng hiện nay làng Đống Vũ, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa chỉ hoạt động cầm chừng, một phần do nhu cầu thị trường, một phần do lao động trẻ, lao động có tay nghề chuyển vào các khu công nghiệp làm việc.

Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thịnh Cao Văn Bảo thừa nhận: “Đa phần lao động trẻ đã chuyển vào làm việc tại các khu công nghiệp với mức thu nhập hấp dẫn hơn. Hiện nay trên 80% lao động của làng nghề là người già và quá tuổi lao động”. Học hết phổ thông, em Nguyễn Hải Hà, đội 5, xã Quất Động, huyện Thường Tín bắt đầu tìm kiếm công việc mới.

Thay vì làm nghề thêu mà gia đình có truyền thống 3 đời nay, Hà lại xin làm công nhân cho một công ty may đóng trên địa bàn. Hà cho biết: “Làm nghề thêu ngồi gò bó cả ngày mới được vài chục nghìn đồng, trong khi làm công nhân một tháng được hơn 5 triệu đồng”.

Không chỉ riêng Hà, mà hầu hết lớp trẻ của địa phương đều có suy nghĩ như vậy. Chả thế mà, đi dọc theo làng nghề chỉ thấy có phụ nữ lớn tuổi làm nghề. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thanh niên không gắn bó với các làng nghề là do công việc bấp bênh, thu nhập thấp.

Mặt khác, sản xuất hàng thủ công đòi hỏi tính kiên trì, sự khéo léo nhưng thu nhập lại thấp nên chưa đủ sức giữ chân lao động trẻ. Ngoài ra, đa phần thanh niên trẻ thích bay nhảy, thử thách, tìm kiếm cơ hội mới cho bản thân nên không mặn mà với nghề truyền thống.

Cần chính sách ưu tiên

Việc thiếu hụt lao động trẻ, lao động tay nghề cao là lý do khiến làng nghề chậm phát triển, sản phẩm không có tính cạnh tranh cao, chậm thay đổi mẫu mã... Để khuyến khích lao động trẻ, lao động có tay nghề gắn bó với nghề truyền thống, yêu cầu đầu tiên phải giải được bài toán nâng cao thu nhập và mở các lớp đào tạo, nhân cấy nghề.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội năm 2018. Theo đó, UBND TP sẽ hỗ trợ kinh phí cho 14 cơ sở có dự án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, hỗ trợ 10 – 12 làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu, 20 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuộc các làng nghề Hà Nội; thuê chuyên gia tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu…

Đặc biệt, TP sẽ đào tạo nghề cho 24.000 lao động nông thôn, hỗ trợ 40 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn truyền nghề, nhân cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.400 lao động nông thôn. Đồng thời tập huấn nâng cao năng lực quản trị DN cho khoảng 1.500 lượt cán bộ quản lý DN, chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp nông thôn theo chương trình khuyến công TP. Việc nâng cao tay nghề và đào tạo các lớp thợ giỏi sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ các hộ sản xuất, DN làng nghề tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

  • Kết nối cung cầu ngành mây tre đan xuất khẩu
    Giá nguyên liệu ngày càng tăng Việt Nam có khoảng trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Ngành hàng này không chỉ góp phần vào giá trị XK mà còn tạo việc làm cho lao động nông thôn và người...
  • Xuất khẩu mây tre dẫn đầu mức tăng trưởng trong nhóm hàng TCMN
    Vinanet - Theo số liệu từ TCHQ, 7 tháng đầu năm 2018 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đã góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước 5,67 tỷ USD, chiếm 4,22% tỷ trọng.  Trong đó, gỗ và sản phẩm đạt kim ngạch cao nhất 4,8 tỷ USD...
  • MÂY TRE ĐAN XUẤT KHẨU – CÁCH TÌM NGƯỜI MUA NƯỚC NGOÀI
    Thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam đến khắp châu lục và thế giới, trong đó mây tre đan xuất khẩu trước đây được coi là một “thủ lĩnh” dẫn đầu ngành thủ công mỹ nghệ...